Nước biển ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu

Trong những năm gần đây, nhiệt độ mặt biển vùng Thái Bình Dương mát hơn khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu ổn định ngay cả khi lượng phát thải khí nhà kính tăng lên.

Nhiệt độ mặt biển ở Thái Bình Dương diễn ra theo chu kỳ nóng và lạnh tự nhiên. Điều này cho thấy sự chững lại trong quá trình gia tăng nhiệt độ trái đất ghi nhận trong 15 năm qua không phải là dấu hiệu gián đoạn của hiện tượng nóng lên toàn cầu, nó liên quan tới nhiệt độ của vùng nước nhiệt đới và xích đạo Thái Bình Dương trở nên mát hơn.

Khi Thái Bình Dương chuyển đổi sang giai đoạn ấm áp, các xu hướng dài hạn bao gồm nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ tăng vọt. Kết quả được nghiên cứu bởi Shang-Ping Xie, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học California, Mỹ, Livescience đưa tin.

earth-temperature

Đầu tháng này, tỉ lệ khí CO2 trong khí quyển ở Hawaii đo được là hơn 400 ppm, mức cao nhất trong lịch sử nhân loại. Lần vượt quá ngưỡng này cách đây ít nhất 3 triệu năm. Tuy nhiên, 15 năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu có vẻ ổn định hơn, nhiệt độ không tăng mạnh như dự đoán trước đó làm nhiều người hoài nghi về biến đổi khí hậu.

Ông Ping Xie cho biết: "Năm ngoái chúng tôi chứng kiến mùa hè nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và sự thu hẹp băng vùng biển bắc cực, tất cả những điều này phù hợp với sự nóng lên chung của khí hậu. Tuy nhiên, khi nhìn vào đồ thị nhiệt độ toàn cầu, 15 năm qua nhiệt độ gần như đi theo một đường thẳng, nồng độ khí CO2 trong khí quyển gia tăng nhưng trái đất không ấm lên, dường như có một cái gì đó rất lạ đang xảy ra".

Ping Xie và các đồng nghiệp giải thích bí ẩn này bằng cách sử dụng mô hình khí hậu và dữ liệu đo đạc được trong 130 năm qua. "Trong mô hình chúng tôi chia ra làm 2 nguyên nhân, thứ nhất do con người làm gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, thứ hai do vùng biển Thái Bình Dương mát hơn, kéo các đường cong nhiệt độ xuống, khiến trái đất gần như ở trạng thái cân bằng”, Ping Xie nói.

Tác động El Nino và La Nina cũng tạo ra kết quả tương tự, chúng là một phần trong quá trình dao động tự nhiên của hệ thống đại dương-khí quyển xảy ra theo chu kỳ 3-4 năm, có thể ảnh hưởng đến thời tiết và điều kiện khí hậu toàn cầu. El Nino đặc trưng bởi nhiệt độ ấm hơn mức trung bình trong các vùng biển xích đạo Thái Bình Dương. Còn với hiện tượng La Nina, nhiệt độ các vùng nước biển lạnh hơn mức trung bình.

Giai đoạn ấm áp và mát của Thái Bình Dương trong nghiên cứu của Ping Xie xuất hiện lâu hơn so với chu kỳ El Nino và La Nina. Trước đây, trái đất trải qua giai đoạn làm mát ở Thái Bình Dương từ năm 1940 đến năm 1970 trước khi chuyển sang trạng thái ấm hơn những năm 1970 đến 1990.

Mô hình thí nghiệm khoa học không thể dự đoán được khi nào thời gian làm mát hiện tại kết thúc, tuy nhiên khi nước biển chuyển sang trạng thái ấm hơn, nhiệt độ toàn cầu sẽ nóng lên nhanh chóng. Hiện nay vẫn còn nhiều điều chưa biết về sự tương tác giữa việc nước biển Thái Bình Dương nóng lên và mát đi với việc con người thải ra khí nhà kính làm biến đổi khí hậu trái đất.

 

Hoài nghi về liên hệ giữa El Nino và biến đổi khí hậu

Lâu nay dòng hải lưu nóng, còn gọi là hiện tượng khí hậu El Nino ở Thái Bình Dương được biết đến là yếu tốt ảnh hưởng đến thời tiết toàn cầu. Nhưng nghiên cứu của Viện Công nghệ Georgia, Mỹ cho rằng không phải như vậy.

Trong công bố trên tạp chí Science ngày 3/1, các nhà khí tượng học từ Khoa nghiên cứu Trái Đất và Khí quyển thuộc Viện trên tiến hành đo mức tăng trưởng theo từng tháng của các hóa thạch san hô cổ được tìm thấy ở hai hòn đảo Thái Bình Dương để xác định yếu tố khiến khí hậu ấm lên.

Cùng với việc tái hiện nhiệt độ và lượng mưa trên trái đất trong hàng nghìn năm qua, các nhà khoa học đã so sánh hiện tượng El Nino qua các thời kỳ.

Theo giáo sư Kim Cobb, nhà khí tượng học Viện Công nghệ Georgia, mặc dù El Nino diễn ra mạnh mẽ và thường xuyên hơn trong thế kỷ 20, song các kết quả phân tích các hóa thạch san hô cho thấy một dạng El Nino mới có tên là El Nino hướng nam (ENSO) diễn biến phức tạp và khó lường hơn.

Do đó giới khoa học cho rằng, chưa thể kết luận chắc chắn rằng những hiện tượng thời tiết trong thời gian gần đây có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu do lượng khí thải cacbon dioxit gây nên.

El Nino là hiện tượng thay đổi đáng kể nhiệt độ trên mặt biển ở vành đai nhiệt đới của Thái Bình Dương, nó xảy ra mỗi 2-7 năm khi các cơn gió mậu dịch (gió mạnh thổi liên tục từ đông nam hoặc đông bắc về hướng xích đạo) bắt đầu suy yếu. El Nino khiến nhiệt độ tăng lên, gây ra mưa bão, lụt lội và hanh khô.

 

 

Trồng cây ở sa mạc giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu

 

Trồng một số lượng lớn cây chịu hạn trong khu vực sa mạc có thể là cách hiệu quả để giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Khi thế giới bắt đầu cảm thấy những tác động gia tăng lượng khí CO2 trong khí quyển và hậu quả của việc nóng lên toàn cầu, giới nghiên cứu đang tìm kiếm một kế hoạch B để giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Một nhóm nhà khoa học Đức đã đưa ra phương pháp thân thiện với môi trường mà con người có thể thực hiện được. 

Công bố đăng trên tạp chí Earth System Dynamics, một tạp chí khoa học địa chất của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, phương pháp trên là kỹ thuật “nông nghiệp cacbon”, bao gồm việc trồng cây ở vùng khô hạn trên diện rộng để thu giữ CO2, Science Daily đưa tin.

Tác giả Klaus Becker từ Đại học Hohenheim, Stuttgart, Đức cho biết: “Trồng cây giúp hấp thụ khí thải CO2 do hoạt động con người tạo ra, CO2 là một trong những yếu tố tác động đến biến đổi khí hậu”.

"Thiên nhiên sẽ tốt hơn nếu chúng ta hiểu và sử dụng chúng một cách bền vững", đồng nghiệp của ông, Volker Wulfmeyer nói.

Đề cập đến việc cô lập cacbon từ khí quyển, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, cây Jatropha curcas có thể sử dụng và đem lại hiệu quả rất tốt (cây Jatropha curcas ở Việt Nam còn gọi là cây Cọc rào). Loài này phát triển trong điều kiện khô cằn, đất nóng và khô, nó không cần nhiều nước để sống và không phù hợp cho sản xuất lương thực. Nếu trồng ở ven biển, con người sẽ áp dụng cây vào việc khử muối trong nước nhiễm mặn để làm nước tưới. Nếu thực hiện thành công, các chuyên gia nhận định, đây là việc làm lý tưởng.

Wulfmeyer nói: "Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là lần đầu tiên các chuyên gia về thủy lợi, chuyên gia khử muối, hấp thụ cacbon, kinh tế và khoa học khí quyển ngồi với nhau cùng phân tích tính khả thi của một đồn điền quy mô lớn thu giữ CO2 một cách toàn diện. Chúng tôi áp dụng nhiều mô hình máy tính và sử dụng dữ liệu từ cây Jatropha curcas trồng ở Ai Cập, Ấn Độ và Madagascar”.

Nghiên cứu mới của Earth System Dynamics chỉ ra rằng, một hecta Jatropha curcas hấp thụ 25 tấn khí CO2 mỗi năm, trong khoảng thời gian 20 năm. Một khu đất chiếm 3% diện tích sa mạc Arab có thể hấp thụ lượng CO2 tương đương tạo ra bởi xe có động cơ ở Đức trong một vài thập kỷ. Với khoảng một tỷ ha đất thích hợp, phương pháp này sẽ thu hồi CO2 đã thêm vào khí quyển kể từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp.

Sau một vài năm, cây trồng trên sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh học cần thiết cho các hoạt động của con người. Becker cho biết thêm: “Từ quan điểm của chúng tôi, trồng rừng để hấp thụ cacbon là một lựa chọn kỹ thuật hiệu quả nhất và an toàn với môi trường để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Thực vật đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ cacbon toàn cầu trong hàng triệu năm, trái ngược với nhiều kỹ thuật áp dụng rất tốn kém của con người”.

Nhưng hạn chế chính để thực hiện phương pháp này là thiếu kinh phí, con người ít hiểu biết về những lợi ích trồng rừng quy mô lớn trong khu vực, bao gồm cả yếu tố thời tiết như mây và lượng mưa. Hệ thống nghiên cứu vẫn còn thiếu dữ liệu thực nghiệm về tác động của vùng đất khô cằn, sự tích tụ muối trong đất sa mạc cần phải được đánh giá cẩn thận.

Giới khoa học hy vọng sẽ có đủ thông tin để thiết lập một dự án thí điểm trên quy mô nhỏ và lớn, tìm hiểu lợi ích của phương pháp này so với các biện pháp địa kỹ thuật khác.

(theo vnexpress.net)